Trích dịch sách: NGÔN NGỮ BÍ MẬT CỦA CẢM XÚC
Tác giả: Calvin D.Banyan
Đây là cuốn sách tâm lý quan trọng đã mở ra cho mình một cách tiếp cận mới mẻ để hiểu về tâm lý, lý giải về cảm xúc và hành vi. Chắc chắn rằng mình sẽ giới thiệu cho hai con tôi đọc khi con lớn.
Cuốn sách khá đơn giản và dễ đọc. Nó giúp cho mình trả lời câu hỏi:
“CẢM XÚC LÀ ĐỂ LÀM GÌ?”
Theo góc nhìn của tác giả cũng chính là người sáng lập ra chương trình trị liệu mình theo học, thì tất cả cảm xúc ĐỀU LÀ TỐT !
Tốt ở khía cạnh là chức năng của cảm xúc là thước đo về tình trạng sức khỏe cơ thể và tinh thần và gửi đến mình thông điệp rằng nó đang không ổn, bình thường hoặc rất ổn. Nếu là cảm xúc khiến mình tốt, ổn, vui thì có lẽ nên duy trì và lặp lại. Nếu là cảm xúc khiến mình thấy tiêu cực thì càng cần được quan tâm tìm ra gốc của vấn đề, từ đó hành động để giải quyết thỏa mãn nó. Nếu mình không biết hoặc lờ đi, dùng cái khác để đánh lạc hướng nó, thì có thể là tạm thời thấy đỡ, nhưng nhu cầu vẫn ở đấy và vẫn đang tiếp tục đòi hỏi. Từ đó dẫn đến những rối loạn cảm xúc hoặc trầm cảm (mood/anxiety disorder or depression).
Giống như là khi ta nhìn thấy đèn đỏ nháy nháy của cái đồng hồ báo hết xăng, ta sẽ cảm thấy BẤT AN vì hình dung đến cảnh xe sẽ không chạy được nữa. Nếu ta hành động dừng xe vào trạm xăng, đổ đầy bình, thì sau đó sẽ không còn thấy bất an nữa, yên tâm lái xe tiếp. Nhưng nếu ta không biết/cố tình lờ đi, thay vào đó dừng lại mua một cái bánh mì, ăn xong thấy người tăng năng lượng vì được nạp thức ăn, nhưng không hiểu sao chiếc đèn kia vẫn liên tục tín hiệu đỏ. Ta sẽ vẫn cảm thấy BẤT AN và cảm giác bất an sẽ dần tăng mạnh lên theo thời gian. Khi ấy, xe nào khác mà va phải hoặc lỡ tạt đầu xe ta, ta cũng rất dễ bị căng thẳng hơn mức cần thiết, phản ứng thái quá mà xông vào đấm cho thằng lái xe kia vỡ mũi hoặc dùng những lời lẽ nặng lời đến mức đau khổ tan vỡ ;D
1-2-3 BƯỚC KHIẾN CHO CẢM XÚC TRỞ NÊN CÓ ÍCH
BƯỚC 1: Nhận biết được tên của cảm xúc.
Nhận biết cảm xúc tức là hiểu được loại cảm xúc mình đang có là cảm xúc gì. Khi mình biết được cái gốc của vấn đề thì mình sẽ tìm được phương án xử lý phù hợp. Bởi như đã nói theo khía cạnh nhìn nhận ở trên, mỗi cảm xúc đều có ý tốt, có lý do chính đáng. Nó cho mình thước đo về tình trạng sức khỏe của cơ thể và tinh thần, từ đó có thể hành động chăm sóc phù hợp cho bản thân.
BƯỚC 2: Hiểu được nguyên nhân của cảm xúc.
Cuốn sách đưa ra 10 loại cảm xúc chính, cùng với nguyên nhân:
1. Nhàm chán (Boredom): vì có nhu cầu, mong ước được phát triển, được thử thách hơn, hoặc cần điều gì mới mẻ.
2. Tức giận (Angry): vì cho rằng điều gì đó đã/ đang xảy ra không công bằng cho mình hoặc cho người khác
3. Áy náy có lỗi (Guilty): vì cho rằng mình đang làm điều gì không công bằng với một ai đấy
4. Buồn (Sadness): vì mất đi vật gì đó hoặc một mối quan hệ có ý nghĩa, quan trọng với mình
5. Cô đơn (Loneliness): vì cần được quan tâm hay có ai đó để chia sẻ
6. Tự ti (Inadequancy): vì cho rằng mình không ổn, không phù hợp, không đủ khả năng.
7. Căng thẳng (Stress): vì đang bị quá tải, không đủ nguồn lực về thời gian và khả năng.
8. Sợ hãi hoặc lo lắng (Fear, worry): vì thấy nguy hiểm hoặc cho rằng điều gì đó tệ đang hoặc sẽ xảy ra
9. Chán nản (Frustration): vì những điều mình làm dường như không đem lại hiệu quả.
10. Trầm cảm (Depression): vì cảm thấy bế tắc, tuyệt vọng, không còn hi vọng, không muốn cố gắng nữa. Ngoài ra, mania depression là một thể đặc biệt của trầm cảm. Ngược với trầm cảm thông thường là cảm thấy tê liệt không làm được gì, mania depression lại có triệu chứng kích động, làm rất nhiều việc hơn mức bình thường (kể cả tăng nhu cầu tình dục nhiều hơn bình thường hoặc dùng chất kích thích gây nghiện), có xu hướng khuyến đại bản thân, ngủ ít, nói rất nhiều, liên tục có quá nhiều suy nghĩ nối tiếp nhau, dễ bị mất tập trung. "Mania depression - Life appears in front of you like an oversized movie screen"
Chú ý: Những người dù không ở mức độ trầm cảm nghiêm trọng nhưng có ý định tự tử, suy nghĩ về kế hoạch một cách thực sự hay dù chỉ là vẫn tiếp tục hình dung đến việc tự tử trong thời gian dài hơn một vài tháng thì đều nên cần đến sự hỗ trợ các chuyên gia tâm lý. Lưu ý hạn chế tránh dùng thuốc trầm cảm ở mức tối thiểu nhất có thể, vì thuốc có những phản ứng phụ rất nguy hiểm, thậm chí làm tăng ý muốn tự tử. Mình phải viết rõ vậy để lưu ý vì đã biết vài trường hợp.
BƯỚC 3: Xác định được hành động phù hợp nhằm thảo mãn được cảm xúc.
A. Đánh giá tính khách quan và logic hợp lý của cảm xúc. B. Hoặc điều chỉnh quan điểm cái nhìn của mình lại cho phù hợp C. Lên danh sách những hành động và kế hoạch thực hiện để đáp ứng cảm xúc, khắc phục tình huống.
Ví dụ: Sau một ngày làm việc, khi về nhà, chồng mình bảo mình làm việc gì đó khiến mình vô cùng tức giận vì cho rằng như thế là không công bằng, "anh không thấy là em đang rất bận sao??!!", dẫn đến phản ứng thái quá gay gắt với chồng. Nhưng có thể nguyên nhân để mình tức giận vậy không phải là gốc từ lỗi của chồng, mà là do đang bị quá tải về công việc. Như vậy cảm xúc tức giận thực ra là đang gửi đến thông điệp có ích cho mình là mình cần là sắp xếp cho mình có thời gian được nghỉ ngơi, san sẻ công việc bớt cho người khác, hoặc chấp nhận khả năng thời gian/sức lực có hạn của mình mà giảm công việc đi để không bị quá mệt, quá tải, hoặc tìm học cách quản lý thời gian một cách hiệu quả hơn.
Cuốn sách còn viết kỹ hơn 3 bước trên cho từng cảm xúc và có ví dụ cụ thể dễ hiểu.
Ngoài ra, trong cuộc sống hàng ngày, thường có nhiều loại cảm xúc đến cùng một lúc. Khi đó, một trong những cách để bạn nhận diện rõ hơn được là đánh giá theo thang điểm của từng cảm xúc, ví dụ từ 0 đến 100 thì mình tức giận hay buồn bao nhiêu. Nếu quá cao so với mức câu chuyện đó đáng là thì có lẽ bạn rất cần xem lại mức độ sức khoẻ của các cảm xúc bên trong mình, mức độ sức khoẻ tinh thần của mình để tìm được phương án hài hoà, hiệu quả và bình yên cho cuộc sống và các mối quan hệ.
Comments